Mỗi vùng miền sẽ có những điểm khác biệt trong văn hóa, vì thế những món ăn tiệc cưới của mỗi vùng miền sẽ mang những ý nghĩa khác nhau.

Như người miền Nam, họ sẽ kiêng kỵ những món ăn như món canh chua, canh đắng và món mắm. Mặc dù đây là những món ăn rất ngon của người Nam Bộ. Vì theo họ quan niệm rằng đám cưới là một trong những việc trọng đại của đời người nên các vị chua, đắng hay hôi của mắm sẽ không đem lại may mắn cho cặp đôi. Cùng tìm hiểu thêm những ý nghĩa được đặt trong từng món ăn tinh túy của người miền Nam nhé.

Những món ăn đặc trưng của đám cưới Nam Bộ

1.    Món súp

Đây là món khai vị phổ biến trong các tiệc cưới như súp vi cá, súp măng tây cua, súp nấm, súp hải sản,… Đã gọi là súp tất nhiên phải loãng, nhưng không loãng như súp của người phương Tây, súp ta luôn pha thêm bột năng, bột bắp sền sệt. Bởi vậy nhìn trong chén súp ta thấy như có những áng mây hòa quyện trên bầu trời, hay rồng – phượng giao nhau (một chút ý nghĩa và tư tưởng lãng mạn…). Đó là lý do để người chế biến thức ăn gọi súp khai vị là món Phong vân hội tụ hoặc Loan phượng hòa mình. Mục đích là chúc mừng cho tân lang và tân giai nhân.

2.    Món ăn khô

Món ăn khô là món không có nước và thường được gọi là bốn món ăn chơi. Tuy bốn món nhưng không dọn ở bốn đĩa khác nhau, mà bốn món dọn chung một đĩa. Ngày xưa khi còn xính dùng chữ Hán thì món này có tên là tứ bửu (bốn thứ ngon), gồm: gà rút xương sắt lát, chả giò tôm cua, càng cua bách hoa, một món thịt nguội (sau này có khi các đầu bếp giản tiện hóa bằng một món duy nhất trong số bốn món kể trên). Ăn chơi, tức dạng khai vị nghĩa là đi cùng với chén súp, món tứ bửu được dọn trong lúc chờ các món chính của bữa tiệc cưới.

3.    Món ăn chính

Ngày xưa, món ăn tiệc cưới chính thịnh hành trong tiệc cưới có cái tên gọi Hán Việt khá cầu kỳ Giang Nam dã hạc và được coi là một món ăn quý, với cách chế biến hoàn toàn theo phong cách người Việt phương Nam. Bây giờ món này hầu như không còn hiện diện trên bàn tiệc, nhất là tiệc cưới. Các món chính ngày nay có thể thấy là: gà quay, heo sữa quay hay cá chẽm, cá lóc hấp, cá tai tượng chiên xù hoặc trưng theo nhiều kiểu cách khác nhau

Món ăn này làm rất cầu kì, Giang Nam dã hạc Nghĩa là con chim hạc đậu trên cánh đồng Giang Nam (tỉnh ở phía Nam sông Dương Tử của Trung Quốc, nơi có đồng ruộng phì nhiêu giống miền Tây Nam bộ của nước ta) – còn được ông cha ta gọi là Kim kê bát bửu hay Phượng Hoàng bát trân (nghĩa là con gà vàng hay con phượng hoàng với tám món quý). con Kim kê bát bửu bên trên được đặt theo tư thế xòa cánh trùm hết số trứng bên dưới, giống như đang ấp trứng. Điều này vừa ngụ ý đã có đám cưới ắt sẽ sinh con, mà số trứng nhiều như vậy là biểu trưng cho hạnh phúc sum vầy và sung túc. 

Những món ăn trong thực đơn tiệc cưới của người miền Nam không chỉ công phu mà còn thấm đẫm ý nghĩa, với mong muốn chúc phúc cho đôi uyên ương được trăm năm hạnh phúc, bạc đầu nghĩa phu thê.